Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Cách làm Gnocchi khoai tây


Gnocchi khoai tây thực ra là khoai tây đã luộc hoặc nướng chín sau đó nghiền nát ra trộn với bột mỳ và trứng sau đó cán thành từng viên nhỏ một.

Cách làm Gnocchi khoai tây!

Thành phẩm cho 3 người ăn

Nguyên liệu
  • 3 củ khoai tây rửa sạch để cả vỏ luộc chín hoặc nướng chín
  • 1 1/3 muỗng bột mỳ gia dụng
  • 1 quả trứng
  • 1 thìa nhỏ muối
B1: Khoai tây sau khi đã luộc hoặc nướng chín bóc vỏ, dùng cái kẹp khoai tây để lấy phần bột khoai đã chín.
Khoai tây sau khi luộc chín

Dùng khuôn để ép lấy bột khoai tây chín

B2: Trộn 1 muỗng bột mì, muối vào phần bột khoai tây, trộn đều sau đó đập trứng vào nhào bột. Nếu thấy bột bị dính thì từ từ cho thêm phần bột mì còn lại vào trộn cùng.

B3: Chia phần bột mì khoai tây đã nhào ra thành từng phần nhỏ sau đó lăn bột thành hình cái đũa, dùng dao cắt thành từng đốt ngón tay một. Bạn có thể làm như vậy là xong hoặc có thể dùng dĩa ấn dẹp các viên bột đã cắt, thao tác này mất khá nhiều thời gian. Nếu nhanh hơn mình có thế mua dụng cụ để tạo hình gnocchi.

Lăn dài sau đó cắt khúc bằng đốt ngon tay một

Đã tạo thành hình Gnocchi đơn giản và nhanh nhất
B4: Đặt một nồi nước sôi có cho ít muối sau đó cho gnocchi vào luộc, thấy gnocchi nổi lên là đã chín.
Gnocchi khoai tây sốt cà chua

Chè khúc bạch

 cách làm chè khúc bạch savoury days

CÁCH LÀM CHÈ KHÚC BẠCH

Nguyên liệu
A. Phần thạch kem sữa
  • 300 ml sữa tươi không đường (ở nhiệt độ phòng)
  • 300 ml kem tươi – hàm lượng béo 30 – 40% (ở nhiệt độ phòng)
  • 60 g đường
  • 21 g Gelatin dạng bột hoặc lá
  • 15 ml sy-rô dâu để làm thạch màu hồng hoặc màu thực phẩm đỏ và hương liệu vị dâu 
  • 2 g bột trà xanh + 15 ml nước sôi để làm thạch màu xanh
B. Phần nước chan
  • 1 lít nước
  • 5 cái lá dứa (lá nếp) tươi (không bắt buộc) 
  • 90 g đường phèn (hoặc đường trắng) 
C. Nguyên liệu khác
  • 1 kg nhãn/ vải tươi (nguyên quả) hoặc nhãn hay vải hộp 
  • 15 g hạt é (không bắt buộc) 
  • 40 g hạnh nhân lát (có thể thay bằng lạc/ đậu phộng) 
Cách làm
1. Làm thạch kem sữa (nên làm trước tối thiểu 4 giờ)
– Lấy 150 ml sữa từ 300 ml sữa trong phần A, cho vào 3 bát, mỗi bát 50 ml. Chia Gelatin làm 3 phần, mỗi phần 7 gram, cho vào ngâm trong sữa trong tối thiểu 15 phút tới khi Gelatin nở mềm.
– Đun sôi một chút nước trong nồi, khi nước sôi thì hạ lửa xuống mức nhỏ nhất. Đặt bát đựng Gelatin vào nồi, quấy liên tục. Hơi nóng từ nước sẽ giúp Gelatin tan từ từ. Quấy tới khi Gelatin tan hoàn toàn vào sữa, không còn một vụn hay gợn nhỏ nào trong bát. Lưu ý vét đáy bát, tránh để Gelatin bị đọng ở đáy bát.
– Cho 100 ml kem tươi và 50 ml sữa còn lại vào bát. Nêm đường vào từng bát, mỗi bát khoảng 15 – 20 g đường tuỳ khẩu vị. Quấy đều để đường tan hết. Đổ hỗn hợp qua rây, cho vào khuôn hay hộp vuông, để nguội rồi cho vào tủ lạnh.
– Làm tương tự với hai phần thạch còn lại (đun chảy Gelatin, hoà kem tươi, sữa, đường…)
  • Để làm thạch vị trà xanh: Cho từng chút nước sôi một (từ phần 15 ml nước sôi) vào trà xanh, vừa đổ nước vừa quấy đều để trà xanh tan từ từ, chuyển thành dạng sệt. Múc khoảng 40 – 50 ml kem sữa tươi ở bước (3), hoà với nước trà xanh sệt này, quấy cho tan đều. Đổ phần sữa pha trà xanh này qua rây, vào lại bát đựng kem sữa, quấy đều cho hoà quyện. Lọc lại hỗn hợp một lần nữa rồi đổ vào khuôn, để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Bột trà xanh rất khó tan nên làm theo cách này sẽ giúp bột trà tan hết và hoà quyện trong kem sữa đều hơn. 
  • Để làm thạch vị dâu: Dùng sy-rô dâu hoặc một vài giọt màu thực phẩm đỏ cùng với hương vị dâu, cho vào bát đựng kem sữa, quấy đều.
(*)  Ghi chú chung cho phần thạch: 
– Thạch nên được để trong ngăn mát tủ lạnh trong tối thiểu 3 – 4 giờ, tới khi đông hoàn toàn mới dùng. Thạch càng để lạnh lâu thì càng dẻo và chắc. Tuy nhiên không nên để thạch trong tủ lạnh quá 4 ngày.
– Thông thường, lượng Gelatin đủ để làm đông 600 ml chất lỏng (như trong công thức) là 15 gram. Tuy nhiên, dùng 21 gram như công thức sẽ cho thạch sữa có độ dẻo và dai một chút. Nếu bạn thích ăn thạch rất mềm thì có thể giảm lượng Gelatin về 15 – 16 g. Nếu bạn muốn thạch cứng, dẻo và dai hơn nữa thì có thể tăng Gelatin. Càng nhiều Gelatin, thạch sẽ càng dẻo. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều, đặc biệt là Gelatin dạng bột thì thạch có thể có mùi hơi khó chịu từ Gelatin.
– Đun sữa có pha Gelatin theo kiểu cách thuỷ như trong công thức có ưu điểm là giúp cho sữa không bị sôi và mất chất. Kem tươi có thể “ăn sống”, không nên đun (như hướng dẫn của khá nhiều ct chè khúc bạch), vì đun nóng dễ làm chất béo trong kem bị tách nước. Khi thạch đông có thể có lớp váng trên mặt hoặc thạch bị tách làm hai lớp, phần nước và phần béo.
– Bạn có thể dùng các loại màu thực phẩm hoặc hương vị khác để làm các loại thạch khác nhau, ví dụ dùng nước cà phê đặc hoặc bột ca cao để làm thạch sữa có màu nâu đen, dùng chiết xuất lá dứa (lá nếp) để tạo màu xanh…
– Nếu thạch của bạn không đông thì có thể do một trong số các nguyên nhân sau:
  • Gelatin chất lượng không tốt
  • Làm sai quy trình. Lưu ý là Gelatin luôn cần phải được ngâm nước mát cho nở rồi mới dùng nhiệt để làm tan chảy. Không cho Gelatin vào nước nóng ngay từ đầu.
  • Trong khi đun chảy Gelatin, không quấy kĩ để Gelatin chưa tan hết hoặc dính vào thành hay đáy bát.
2. Chuẩn bị các nguyên liệu khác
– Cho 1 lít nước cùng đường phèn vào nồi. Đun sôi và quấy nhẹ tay để đường tan hết. Rửa sạch lá dứa, buộc thắt nút lại cho gọn. Khi nước sôi và đường đã tan hết thì thả lá dứa vào nồi. Bắc khỏi bếp, để nguội rồi cho nước này vào ngăn mát tủ lạnh, giữ lạnh tới khi dùng. Có thể đun lá dứa trong nước, mùi lá dứa sẽ đậm hơn nhưng nước sẽ có chút màu xanh phai ra từ lá.
– Ngâm hạt é trong nước nóng khoảng 15 đến 20 phút, tới khi hạt é nở hết.
– Rang hạnh nhân trong chảo chống dính ở lửa vừa tới khi hạnh nhân xém cạnh, vàng thơm. Đảo nhẹ tay trong khi rang, tránh để hạnh nhân bị vỡ vụn. Cho ra bát, để nguội.
– Bóc nhãn, tách lấy riêng phần cùi nhãn. Có thể thay nhãn bằng vải hoặc các loại quả khác như dâu tây, dâu ta, đào, mận, xoài, mít… Nếu dùng vải hay nhãn hộp, nên giữ lại nước ngâm nhãn trong hộp để pha thêm vào nước đường lá nếp, sẽ làm nước đậm đà hơn.
– Gỡ thạch ra khỏi khuôn: Dùng dao rọc quanh thành khuôn rồi gỡ thạch ra khỏi khuôn. Hoặc có thể nhúng nhanh khuôn vào nước nóng khoảng 10 giây, thạch sẽ tự tróc khỏi khuôn. Cắt thạch thành miếng vừa ăn. có thể dùng dao lưỡi răng cưa để cắt miếng thạch đẹp hơn. Nhúng dao vào nước trước khi cắt sẽ giúp cắt thạch dễ và đường cắt sắc nét, đẹp hơn.
3. Thưởng thức:
– Cho các loại thạch, nhãn và hạt é vào bát. Chan nước dùng, rắc hạnh nhân lên. Dùng lạnh.
4. Thay thế nguyên liệu 
– Thay “Kem tươi” bằng gì?  Một trong các yếu tố chính giúp cho món chè này ngon là vị mềm dẻo và béo ngậy của thạch. Hương vị này cần một thứ nguyên liệu có hàm lượng béo cao như kem tươi (whipping cream) mới tạo nên được. Do đó, không nên thay kem topping vì kem topping hoàn toàn không có mùi vị thơm ngon, ngậy béo như kem tươi.
Nếu không có kem tươi, mình nghĩ các bạn có thể pha sữa đặc với sữa tươi và bỏ đường trong công thức. Tỉ lệ cụ thể sữa đặc: sữa tươi phụ thuộc vào việc bạn muốn thạch ngọt chừng nào. Bạn có thể pha với tỉ lệ tuỳ ý, miễn là tổng lượng sữa cuối cùng bằng với 600 ml tổng lượng kem và sữa tươi trong công thức. Sau khi pha xong, dùng 1 phần sữa này để ngâm Gelatin, các bước tiếp theo giống như trong công thức. Thạch này sẽ kém ngậy hơn thạch dùng kem tươi kha khá nhưng vẫn ngon :-)
Nếu có sữa bột, nên dùng thêm một chút để tăng độ béo và thơm cho thạch (trường hợp không có kem tươi)
– Thay “Gelatin” bằng gì? Bột rau câu Agar cũng có thể làm đông chất lỏng như Gelatin. Tuy nhiên, Agar cho thạch có vị cứng giòn còn Gelatin cho thạch có vị dẻo dai, mềm và tan trong miệng. Hai kiểu đông này rất khác nhau và với công thức này, mình nghĩ nếu thay Gelatin bằng Agar thì sẽ mất đi vị ngon khá nhiều (trừ phi bạn thích ăn thạch giòn hơn thạch mềm). Tại Việt Nam mình nghe nói là có loại thạch Jelly dẻo hay thạch rau câu cá dẻo gì đó, có thể làm ra món thạch dẻo chứ không giòn. Các bạn có thể thử loại thạch này (mình chưa dùng bao giờ, chỉ nghe kể và biết là có nó thôi nhé).
Chúc các bạn có món chè khúc bạch ngon như ý! :-)

Khô heo - Thịt lợn khô

CÁCH LÀM KHÔ HEO/ THỊT LỢN KHÔ

Nguyên liệu
  • 1 kg thịt nạc thăn, chọn miếng có thớ dài
  • 15 – 20 g tỏi 
  • 15 g hành khô 
  • 5~6 củ sả to 
  • 2~3 thìa canh (30~45 ml) nước mắm 
  • 1~2 thìa canh (15~30 ml) dầu hào 
  • 2 thìa canh (40~50g) đường nâu 
  • 1~1.5 thìa cafe bột ngũ vị hương 
  • 2~3 thìa canh ớt bột – tuỳ khả năng ăn cay 
Ghi chú:
  1. Vị sả, tỏi, ớt là một phần rất quan trọng tạo nên hương vị của các món thịt bò, thịt lợn hay gà khô, đặc biệt là sả. Bởi vậy, không nên bỏ qua.
  2. Nước mắm có thể thay bằng bột nêm theo sở thích nhưng không nên thay bằng xì dầu (nước tương). Dầu hào giúp món ăn thêm đậm đà, không nên bỏ qua.
  3. Đường (mía) nâu hay đường thốt nốt, các loại đường vàng nhìn chung sẽ cho món ăn có vị ngọt ngon hơn đường kính trắng. Nếu chỉ có lựa chọn duy nhất là đường kính trắng, bạn có thể nấu thành nước đường bánh nướng (theo cách làm tại đây) rồi dùng nước đường này để ướp thịt. Thịt sẽ có hương vị và màu sắc hấp dẫn hơn.
  4. Ớt bột Hàn Quốc, loại để làm kim chi, cho món ăn có màu đỏ khá đẹp. Nếu không có loại ớt này, bạn có thể thay  bằng hỗn hợp trộn giữa ớt paprika (để có màu đỏ) và ớt cayenne (để có vị cay). Trong các siêu thị Tây đều có bán các loại bột ớt này ở quầy gia vị. Hoặc dùng ớt bột của Việt Nam cũng không sao.
Cách làm
1. Chuẩn bị nguyên liệu
  • Thịt rửa sạch, thấm khô, cắt thành lát to bản, dày khoảng 1.5 cm. Thịt mỏng sấy nhanh hơn nhưng có thể bị cứng, thịt quá dày sẽ mất thời gian sấy và bên ngoài có thể cứng giòn trong khi bên trong vẫn còn mềm. Lưu ý thái thịt dọc thớ: nhìn miếng thịt thấy rõ các đường thớ thịt tạo thành các sợi dài chạy song song.
  • Bóc vỏ hành, tỏi, băm nhỏ. Sả tước bớt lớp lá già bên ngoài, đập dập rồi băm nhỏ.
2. Cho thịt và hành, tỏi, sả vào âu. Trộn gia vị ướp gồm nước mắm, dầu hào, đường, bột ngũ vị hương, bột ớt vào một bát khác, nêm nếm cho vừa ăn rồi trộn thật đều hỗn hợp gia vị này với thịt. Đậy kín, để ngăn mát tủ lạnh tối thiểu 4 giờ cho thịt ngấm, có thể để qua đêm.
Làm theo cách này bạn sẽ kiểm soát được độ mặn, ngọt, cay của thịt như ý muốn. Sau khi trộn xong, bạn có thể lấy 1 miếng nhỏ thịt và rán hoặc làm chín bằng lò vi sóng rồi nếm thử. Vì mỗi loại mắm, đường có độ mặn ngọt khác nhau nên lượng mà bạn cần dùng có thể sẽ khác với định lượng mà mình ghi trong công thức.
(*) Cách 1: làm khô heo nguyên miếng với lò nướng 
  • Bật lò ở 110 độ C/ 230 độ F. Chuẩn bị một chiếc khay rộng có lót giấy bạc hay giấy nến, trên khay đặt một vỉ nướng có khe hở. Giấy ở trong khay giúp hứng các thứ chảy từ thịt xuống, tiết kiệm công rửa khay :-)
  • Xếp các miếng thịt lên vỉ nướng. Nên dùng vỉ nướng có lỗ hở vì thịt sẽ được sấy khô đều cả mặt trên và dưới. Nếu thịt đặt trên khay thường, ở dưới miếng thịt không có lỗ thoát hơi thì thịt sẽ dễ bị chảy nước và khô.
  • Nướng thịt ở rãnh giữa ở nhiệt 110 độ C/ 230 độ F trong khoảng 1.5 – 2 giờ hoặc tới khi thịt khô như ý muốn.
  • lưu ý: Thời gian và nhiệt độ nướng thay đổi tuỳ vào từng lò và lượng thịt cần sấy, độ dày của miếng thịt. Do vậy cần điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ nếu thịt cháy nhanh thì cần hạ nhiệt độ….
(*)  Cách 2: làm khô heo xé sợi với chảo rang 
  • Cho thịt vào chảo chống dính, đổ thêm ít nước (khoảng 80-100 ml cho mỗi 0.5 kg thịt). Đậy vung, đun trên lửa to
  • Khi nước trong chảo bắt đầu sôi thì mở vung và đảo cho thịt hết màu hồng ở bên ngoài (thịt vừa chín tới). Không nên đun quá lâu, thịt dễ bị khô và mất độ ngọt.
  • Tắt bếp, gắp thịt ra đĩa, để nguội. Giữ lại nước đun trong chảo.
  • Xé thịt thành sợi không quá nhỏ (khi ăn sẽ dai hơn và có thể xé tiếp nếu thích).
  • Đổ thịt vừa xé vào chảo, đảo đều cho nước trong chảo ngấm đều với thịt. Vặn lửa vừa/ to đun tới khi nước cạn, thi thoảng đảo thịt.
  • Khi nước đã cạn thì hạ lửa nhỏ rồi đảo liên tục để giúp nước bay hơi, thịt khô dần. Rang tới khi thịt khô như ý muốn. Trong quá trình rang có thể nêm nếm và thêm gia vị nếu cần.
4. Bảo quản: để thịt nguội rồi cho vào hộp kín. Giữ ở nơi thoáng mát, nên có thêm túi hút ẩm trong hộp. Dùng trong 5 ngày. Nếu muốn để lâu hơn, nên bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Khi dùng rã đông rồi sấy hoặc rang sơ lại.
YÊU CẦU THÀNH PHẨM: Thịt có vị mặn, ngọt, cay đậm đà, có mùi thơm từ hỗn hợp hành tỏi và ngũ vị hương cùng mùi đặc trưng từ sả. Thịt dai và còn độ ngọt tự nhiên, không bị khô hay bã.

Thịt bò khô - Thịt bò ướt


Nguyên liệu
  • 1 kg thịt bò
  • 6-8 củ sả – rửa sạch, thái khoanh tròn rồi băm nhỏ
  • 20 gram tỏi băm nhuyễn (tỏi VN chắc khoảng 4-5 tép, tỏi nước ngoài thì 2-3 tép to)
  • 2 thìa canh (tablespoons) (khoảng 40 – 50 gram) đường thốt nốt (mình dùng palm syrup, rất tiện và nhanh)
  • 3 – 4 thìa canh (25 – 35 gram) bột ớt (tùy khả năng ăn cay và tùy độ cay của loại bột ớt mà các bạn điều chỉnh nhé)
  • 4 thìa cafe (teaspoons) (khoảng 18 – 20 gram) bột gia vị (hoặc muối)
  • 3 thìa cafe (13 – 15 gram) bột ngũ vị hương
  • 3 thìa canh (45 ml) dầu hào (oyster sauce)
  • Hạt tiêu 
  • Phẩm màu đỏ hoặc màu điều nếu thích thịt có màu đỏ, mình không dùng cái này
Cách làm
1. Thịt bò các bạn chọn loại có thớ dọc rõ ràng, nhất là nếu muốn làm thịt bò khô kiểu xé sợi, để khi xé có sợi rõ, thịt không bị vụn. Còn nếu muốn làm thịt bò kiểu miếng thì chọn loại nào có dính thêm ít gân (ít thôi chứ đừng nhiều quá, ăn lại mệt răng :d ). Ngoài ra nên chọn miếng thịt to, vuông vắn khi thái miếng cũng đẹp hơn.
Thịt bò sau khi rửa sạch, thì dùng giấy làm bếp thấm khô, thái miếng mỏng, dọc thớ (bạn nào không quen làm bếp thì thái ra thấy trên mặt miếng thịt có các sợi dọc dọc – như trong hình – là được), mỗi miếng dày khoảng 0.5-0.7cm. Trước khi thái có thể để miếng thịt vào ngăn đá khoảng 15 phút để thịt hơi cứng lại, thái sẽ dễ hơn.
2012-02-191
2. Pha hỗn hợp nước ướp gồm tất cả các loại gia vị trong phần nguyên liệu. Các bạn có thể điều chỉnh định lượng tùy theo khẩu vị của gia đình. Ướp thịt với nước ướp. Dùng tay để xát gia vị ướp cho đều với tất cả các miếng thịt (đeo găng cho khỏi bị xót vì ớt nhé). Đoạn này ướp xong là có thể ngửi thấy “mùi kiểu thịt bò khô” rất thơm rùi:-)
3. Đậy, bọc kín, để nơi khô thoáng mát hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh, để từ 6-8 tiếng (mình để qua đêm).
4. Cho thịt và nước ướp vào nồi. Đậy kín vung . Vặn lửa vừa – to, đun khoảng  2 phút thì lật mặt thịt để sao cho thịt chín đều phần bên ngoài (miếng thịt không còn màu đỏ của thịt sống nữa). Hạ lửa nhỏ và đậy vung kín. Kho trong khoảng 10 – 15 phút. Nếu cảm thấy trong nồi rất khô thì có thể cho thêm 1, 2 thìa nước. Nhưng mình làm thì chưa bao giờ phải cho thêm nước vì thường rất nhiều nước sẽ tự tiết ra từ thịt bò, miễn là mình đậy kín vung vì nếu vung hở thì sẽ dễ làm hơi nước thoát ra ngoài -> dễ làm khô, cháy thịt.
Sau 20 phút thì vặn lửa to và mở vung, đun đến khi nước trong nồi gần cạn hết, còn khoảng 2-3 thìa canh nước là được. Vừa đun vừa đảo cho thịt ngấm đều nước trong nồi. Đoạn cuối cùng có thể nêm nếm lại, nếu các bạn cảm thấy muốn thêm các loại gia vị gì thì cho thêm, đảo đều rồi để nguội.
5. Lấy chày hoặc sống dao nặng (mình dùng cây cán bột), dần các miếng thịt cho mềm và tơi bớt. Nếu muốn làm thịt bò khô kiểu nguyên miếng thì chỉ cần dần cho miếng thịt mềm và mỏng ra một chút, còn nếu muốn ăn kiểu sợi thì sau khi dần các bạn xé dọc thớ thịt, cũng không cần phải xé rất nhỏ, xé vừa phải thì khi ăn sẽ có cái để nhai :d
2012-02-192
6. Cho thịt vào nồi, trộn thịt với nước ướp còn lại trong nồi, đến khi nước ngấm hết vào thịt, trong nồi khô ráo. Chuẩn bị khay nướng, có thể lót giấy bạc lên khay, nướng xong sẽ đỡ được khâu dọn dẹp ;-) .
Dàn thịt lên khay. Nướng ở nhiệt độ 110 độ C. Cách khoảng 10 phút thì lấy thịt ra đảo một lần (hoặc lật mặt thịt nếu là loại thịt cả miếng). Sấy đến khi thịt khô như ý muốn, mình sấy mất khoảng 35 phút. Các bạn thích ăn kiểu ướt, dẻo thì sấy ít hơn. À, nhà bạn nào không có lò nướng thì rang trên chảo chống dính cũng được, nhưng sấy thì mình thấy ngon hơn.
Thịt bò trước khi vào lò …..
Thịt bò khô

…..và đã sấy xong
Thịt bò khô
7. Cho vào hộp kín, bảo quản nơi thoáng mát (nếu có khả năng để dành :-p )

Cách làm bánh bao nhân thịt trứng cả nhà đều thích

Khi làm bánh mới biết phần vỏ bánh rất đơn giản Mận làm thường xuyên mà Mận không biết, thay vì những lần Mận nướng bánh thì Mận hấp bánh. Còn phần nhân bánh thì quá đỗi gần gũi với mọi người, phần nhân bánh tương tự như phần nhân mình làm nem rán ở nhà thôi. 

Bánh bao nhân thịt trứng

Cách làm bánh bao nhân thịt trứng!

Nguyên liệu phần vỏ bánh:
  • 1 1/2 muỗng bột mỳ ( 220 grams bột)
  • 1/2 muỗng sữa tươi không đường đun ấm ( nhiệt độ khoảng 32 C đến 40 C)
  • 1/2 thìa cà phê muối trắng
  • 1 1/2 thìa lớn đường trắng ( 1 tablespoon + 1 teaspoon of white sugar)
  • 1 thìa cà phê men bột mỳ ( 1 teaspoon of dry active yeast)
  • 1 thìa cà phê nước ( nếu cần)
Nguyên liệu phần nhân bánh:
  • 300 grams thịt băm nhỏ ( 3 lạng thịt)
  • 1 nhánh mục nhĩ to ngâm nở ( khoảng 100 gram sau khi đã ngâm nở)
  • 10 gram nấm hương ngâm nở 
  • 1 nắm hành hoa ( hành lá) +1 nhánh tỏi băm nhỏ
  • 3 quả trứng luộc theo kiểu lòng đào
  • 1 thìa lớn xì dầu ( soysauce)
  • 1/2 thìa cà phê hạt tiêu ( theo sở thích)
  • 1/2 thìa cà phê dầu vừng ( dầu mè)
B1: Trộn bột mỳ + đường + muối thật đều.
B1
B2: Cho bột vào máy nhào bột, bật máy ở chế độ đanh chậm. Nhào bột khoảng 3 đến 5 phút. Trong lúc nhào bột thấy hơi bị khô cho thêm một thìa nước vào để nhào bột cho dễ. 
Bột sau khi đã nhào xong
Bọc kín bát để ủ bột
B3: Bột sau khi nhào xong cho xuống nền bàn sạch có rắc một ít bột mỳ để nhào bằng tay khoảng 1 đến 2 phút cho bột thật mịn. Sau khi bột đã mịn cho ít dầu ăn xuống đế bát để ủ bột và bọc kín miệng bát, để bột bên ngoài ở nhiệt độ ấm khoảng 60 phút đến 90 phút chờ đến khi bột nở gấp đôi.
Nguyên liệu cho phần nhân bánh
 B4: Băm nhỏ mục nhĩ, nấm hương, hành hoa, miến sau đó cho vào bát thịt.
Băm nhỏ mục nhĩ, nấm hương
Hành hoa băm nhỏ
 B5: Trứng luộc theo kiểu lòng đào sau đó bóc vỏ bổ làm đôi.
Trứng bổ làm đôi
Cho hỗn hợp vào bát cùng với 1 nhánh tỏi băm nhỏ
 B5: Cho xì dầu hoặc soy sauce, dầu vừng ( dầu mè), hạt tiêu vào sau đó bóp đều các hỗn hợp.
Sau khi cho gia vị bóp đều các hỗn hợp
B6: Bột sau khi ủ đã nở gấp đôi, cho xuống nền bàn sạch để nhào bột. Sau khi nhào mịn chia phần bột đó ra thành 6 phần sau đó lăn các phần theo độ mỏng vừa phải.
Bột sau khi ủ
Chia bột làm 6 phần
Lăn các phần ấy theo độ mỏng vừa phải
B7: Cho một lớp thịt khoảng 2 thìa thịt, sau đó trứng vào để gói bánh. Dùng tay dúm các phần của bánh để tạo thành thính. Cho bánh ra khay đã lót một lớp giấy nến sau đó dùng khăn phủ lên trên để ủ bột khoảng 30 phút.

1 lớp thịt, 1 lớp trứng
Nhúm bánh để tạo thành hình
Bánh sau khi đã tạo thành hình, ủ bột lần thứ 2
Bánh sau khi đã ủ
B8: Cho bánh vào nồi trõ hấp bánh, tuỳ theo trõ to nhỏ để hấp bánh. Thời gian khoảng 15 đến 20 phút. Bánh sau khi đã chín nhấc ra thưởng thức luôn mới tuyệt vời!

Bánh chín rồi mời cả nhà